Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Một số lưu ý về xử lý kỷ luật lao động theo quy định của bộ luật lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành



1.             Một số nguyên tắc trong xử lý kỷ luật lao động
               Không được xử lý kỷ luật lao động (KLLĐ) người lao động (NLĐ) đang trong thời gian:
Æ   Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
Æ   Đang bị tạm giữ, tạm giam;
Æ   Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật lao động;
Æ   Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
               Không xử lý KLLĐ đối với người lao động vi phạm KLLĐ trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
               Người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải chứng minh được lỗi của NLĐ; hình thức KLLĐ được áp dụng phải tương ứng với hành vi vi phạm được quy định trong nội quy lao động.
               Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
               NLĐ phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật.
               Việc xử lý KLLĐ phải được lập thành biên bản.
               Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý KLLĐ đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
               Khi một NLĐ đồng thời có nhiều hành vi vi phạm KLLĐ thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
               Quyết định xử lý KLLĐ phải được ban hành trong thời hiệu xử lý KLLĐ.
               Không được xâm phạm thân thể, nhân phẩm của NLĐ.
               Không được dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý KLLĐ.
               Không được xử lý KLLĐ đối với NLĐ có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động (đối với NSDLĐ sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản và phải đăng ký với cơ quan lao động có thẩm quyền).
               Không được xử lý KLLĐ NLĐ vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

2.             Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động
               Thời hiệu xử lý KLLĐ tối đa là 06 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của NSDLĐ thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng.
               Khi NLĐ hết thời gian: Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của NSDLĐ; Đang bị tạm giữ, tạm giam; Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật lao động, nếu còn thời hiệu để xử lý KLLĐ thì NSDLĐ tiến hành xử lý KLLĐ ngay, nếu hết thời hiệu thì được kéo dài thời hiệu để xử lý KLLĐ nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
               Khi NLĐ hết thời gian: Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; NLĐ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, mà thời hiệu xử lý KLLĐ đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý KLLĐ nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

3.             Thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động
               Người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã; Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật; Chủ hộ gia đình; Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động.
               Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách.

4.             Trình tự xử lý kỷ luật lao động
Bước 01: Chuẩn bị phiên họp kỷ luật lao động
NSDLĐ gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý KLLĐ cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, NLĐ, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.
Trường hợp NSDLĐ đã 03 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động vắng mặt người đó.
Bước 02: Họp xử lý kỷ luật lao động
Diễn biến cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được khái quát như sau:
               Người chủ trì tuyên bố lý do và giới thiệu nhân sự.
               Đương sự trình bày bản tường trình diễn biến sự việc xảy ra. Trường hợp không có bản tường trình của người lao động thì người chủ trì trình bày biên bản xảy ra hoặc phát hiện sự việc (ghi rõ lý do không có bản tường trình).
               Người chủ trì trình bày hồ sơ xử lý kỷ luật.
               Người làm chứng trình bày (nếu có).
               Người chủ trì chứng minh lỗi của người lao động và xác định hành vi vi phạm ứng với hình thức kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật được cụ thể hóa trong nội quy lao động.
               Người đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời trong đơn vị, đương sự, người bào chữa cho đương sự (nếu có) nhận xét về nội dung mà người chủ trì chứng minh lỗi của người lao động và xác định hành vi vi phạm ứng với hình thức kỷ luật lao động đúng hay sai theo quy định của pháp luật, nội quy lao động.
               Kết luận của người chủ trì về hành vi vi phạm kỷ luật ứng với hình thức kỷ luật lao động.
               Thông qua và ký biên bản (Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do).
               Người sử dụng lao động ký quyết định kỷ luật lao động
Bước 03: Sau phiên họp xử lý kỷ luật lao động
Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý kỷ luật lao động hoặc thời hạn kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được gửi đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động.
5.             Chế tài liên quan đến xử lý kỷ luật lao động
               Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi sau đây:
Æ   Không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;
Æ   Sử dụng nội quy lao động không được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;
Æ   Sử dụng nội quy lao động đã hết hiệu lực.
               Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với NSDLĐ khi có một trong các hành vi sau đây:
Æ   Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của NLĐ khi xử lý KLLĐ;
Æ   Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động (Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động )
Æ   Xử lý KLLĐ đối với NLĐ có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động (Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương cho người lao động trong những ngày đã sa thải trong trường hợp xử lý kỷ luật lao động sa thải)
               Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với NSDLĐ có hành vi: Xử lý KLLĐ đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
               Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với NSDLĐ có hành vi: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý KLLĐ đối với NLĐ, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công;
Lưu ý: mức phạt tiền nêu trên là áp dụng đối với NSDLĐ là cá nhân, Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
               Trường hợp kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trái pháp luật thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện các quy định các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 42 của Bộ luật Lao động.
Nếu quý khách hàng còn thắc mắc hoặc cần hỗ trợ về tư vấn pháp lý cũng như thực hiện các thủ tục xin vui lòng liên hệ với Công ty Luật TNHH Lê Huỳnh để được giải đáp và cung cấp dịch vụ.
Cơ sở pháp lý
          Bộ luật lao động số 10/2012/QH13.
          Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/01/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.
          Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh & xã hội ngày 22/9/2003 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 41/CP ngày 06 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ.
Luatsutuvanphaply

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét